Cẩm nang du lịch miền Tây sông nước tự túc cực chi tiết

Được thiên nhiên ưu đãi cho yếu tố địa hình sông nước với những vườn trái cây trĩu quả, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những phiên chợ nổi đầy sắc màu hay chiếc khăn rằn cùng áo bà ba của những người dân nồng hậu mà chân chất. Chính bởi vẻ đẹp bình dị này mà biết bao du khách đã “phải lòng” miền Tây, nơi họ có thể rời xa cuộc sống vồn vã, xô bồ chốn thành thị để cùng hòa mình vào thiên nhiên tươi mới.

Du lịch miền Tây: Cẩm nang từ A đến Z

Không mang trong mình vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy như bất cứ mảnh đất phồn hoa nào, nhưng với vẻ đẹp êm dịu và yên bình cộng với con người vô cùng hiếu khách nên ai đã từng đến miền Tây đều “lòng không muốn về”.

Miền Tây là tên gọi ngắn gọn của miền Tây Nam Bộ, là khu vực rộng lớn của 12 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An và Cần Thơ. Vùng đất này có điều kiện tự nhiên và văn hoá có nét tương đồng nên theo các kinh nghiệm du lịch miền Tây, bạn có thể kết hợp đi nhiều tỉnh thành trong cùng một chuyến đi để khám phá những vẻ đẹp khác nhau của miền sông nước này.

cam-nang-du-lich-mien-tay-song-nuoc-tu-tuc-cuc-chi-tiet
Cẩm nang du lịch miền Tây sông nước tự túc cực chi tiết

Để có một chuyến đi trọn vẹn và siêu tiết kiệm, Tourngay sẽ cùng bạn điểm qua tất tần tật những kinh nghiệm du lịch miền Tây như người bản địa như:

  • Thời điểm du lịch miền Tây lý tưởng nhất
  • Cách di chuyển đến miền Tây tiết kiệm nhất
  • Các phương tiện di chuyển ở các tỉnh miền Tây mà bạn nên trải nghiệm
  • Cách chọn khách sạn ở miền Tây sao cho “xịn mịn” nhất
  • Những địa điểm và hoạt động ở miền Tây nhất định phải thử một lần
  • Những món ăn đặc sản chỉ miền Tây mới có
  • Lịch trình gợi ý để khám phá miền Tây như người bản địa
  • Hỏi đáp du lịch miền Tây

Du lịch miền Tây mùa nào lý tưởng nhất?

Miền Tây với khí hậu nắng ấm quanh năm, thời tiết ôn hòa nên hầu như du khách đến tham quan mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa đến với miền Tây có một thú vị riêng, đặc sắc riêng.

Thường vào mùa hè (khoảng tháng 6, 7, 8) là mùa trái cây chín ở miền Tây nên nếu bạn thích khám phá những vườn trái cây xanh tươi thì nên đi vào mùa hè.

Trải nghiệm đi đò ở miền Tây

Tầm tháng 9 đến tháng 11 là mùa nước nổi, đến miền Tây vào mùa này bạn sẽ thấy nước ngập trắng cả đồng ruộng, đâu đâu cũng thấy nước. Du lịch miền Tây mùa này tuy không được đi tham quan nhiều nơi nhưng nếu đến đúng vào những ngày nước nổi thì cũng có nhiều thú vui không kém.

Từ tháng 12 đến tháng 1, tháng 2 dương lịch là thời điểm gần giáp tết. Đến miền Tây dịp này bạn có thể đi thăm các làng hoa nổi tiếng như Sa Đéc, Tân Quy Đông, Vị Thanh…

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH MIỀN TÂY

Do miền Tây có khá nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng và bạn không thể khám phá trong ngày một, ngày hai nên tourngay.vn sẽ gợi ý những điểm đến nổi bật ở miền Tây dựa theo sở thích để bạn có thể dễ dàng chọn lựa điểm đến thích hợp.

MÙA TRÁI CÂY

Tùy theo mùa và tùy vào thời điểm mà các miệt vườn có thể có những loại trái cây khác nhau, nhưng thường vào mùa hè (khoảng tháng 6, 7, 8) là mùa trái cây chín ở miền Tây và nếu đến miền Tây vào mùa này bạn có thể ghé đến những địa điểm vườn trái cây nổi tiếng sau.

Miệt vườn Cái Bè, Tiền Giang

Nhắc đến miệt vườn Tiền Giang không thể không nói đến vườn cây trái Cái Bè. Nằm cách Sài Gòn chừng 70 km, miệt vườn Cái Bè nằm dọc theo bờ Bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè. Cái Bè không chỉ là vựa trái cây lớn vào bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách nhờ sở hữu những giống trái cây ngon nổi tiếng như xoài cát, bưởi, nhãn, cam sành, cam mật, ổi, táo, quýt, mít, mận…

Đến với miệt vườn Cái Bè, ngoài việc thăm những vườn cây trái xum xuê, trĩu quả, du khách còn có dịp thưởng thức no say các loại trái cây đặc sản được trồng ở đây. So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng “phong phú vào bậc nhất”, trái cây có 4 mùa, mùa nào thức ấy nên du khách đến Cái Bè dù ở mùa nào cũng đầy ắp nhiều loại trái cây chín thơm ngon.

Miệt vườn Vĩnh Kim, Tiền Giang

Nhắc đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), người ta lại nghĩ ngay đến vú sữa Lò Rèn với những trái vú sữa căng tròn, vỏ mọng, vị thơm ngon ngọt ngào. Ngoài thương hiệu vú sữa Lò Rèn, đến Vĩnh Kim du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều loại trái cây ngon khác như sầu riêng, chôm chôm, bưởi…

Miệt vườn Cái Mơn, Bến Tre

Vườn cây ăn trái Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là vựa cây trái lớn nhất nhì miền Nam và được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Các vườn cây trái Cái Mơn được bao bọc giữa bốn bề sông nước của dòng Cổ Chiên và Hàm Luông nên quanh năm khí hậu ôn hòa, cây lá xum xuê, tươi tốt.

Đến với miệt vườn Cái Mơn không thể không nhắc đến sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Hai Hoa, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa… là những đặc sản ngon có tiếng ở vùng này.

Miệt vườn Vĩnh Long

Vĩnh Long từ lâu đã nổi tiếng với các vườn cây ăn trái sai quả, bốn mùa xanh lá, trái chín ngọt ngào. Du khách có thể đến tham quan miệt vườn Vĩnh Long vào các mùa thu hoạch chôm chôm từ khoảng tháng 5 đến tháng 7. Vĩnh Long còn nổi tiếng với cam sành Tam Bình vừa to, vừa có vị ngọt thanh tao hay sầu riêng, quýt đường, xoài….

Miệt vườn Mỹ Khánh, Cần Thơ

Từ thành phố Cần Thơ bạn đi theo quốc lộ 1 về hướng Sóc Trăng, đến gần cầu Cái Răng rẽ phải đi thêm khoảng 6km là đến vườn du lịch Mỹ Khánh – một miệt vườn nổi tiếng ở Nam Bộ.

Với hơn 20 loại cây được trồng đan xen dọc lối đi như: mận, xoài, chôm chôm, mít, dâu, sầu riêng… lúc nào cũng tươi tốt, trĩu quả, cùng hương vị thơm ngon độc đáo sẽ mang đến cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn. Đặc biệt, nơi đây còn được tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đua heo, đua chó, xiếc khỉ, câu cá sấu… dành cho du khách.

 

MÙA NƯỚC NỔI

Làng nổi Tân Lập, Long An

Làng nổi Tân Lập hay còn gọi là rừng tràm Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách trung tâm TP HCM chừng 100 km, đường đi khá dễ dàng. Đến đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào miền cổ tích với ánh nắng len qua tán cây, tiếng rì rào của lá, tiếng hót của chim… Bạn nên đến Tân Lập vào tháng 10 và 11 để có thể ngắm được hoa sen khoe sắc, hít thở hương thơm ngào ngạt của loài hoa tinh khiết này.

Rừng tràm Trà Sư, An Giang

Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11 hàng năm). Bèo cám phủ một tấm thảm màu xanh lên “mặt đường”, hai bên tràm vòng tay che mát. Thỉnh thoảng, tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá… làm xáo động không gian yên tĩnh của cả một khu rừng xanh mướt.

 

Búng Bình Thiên, An Giang

Cách Châu Đốc khoảng 30 km, búng bình thiên hay còn có tên gọi là hồ nước trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Campuchia. Vào mùa nước nổi, búng bình thiên lãng mạn và thơ mộng với những chiếc thuyền ẩn hiện trong làn sương sớm hay ánh sáng nhập nhoạng hoàng hôn.

Búng Bình Thiên

 

Cánh đồng Tà Pạ, An Giang

Cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn, An Giang vào mùa nước nổi như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút.

Cánh đồng Tà Pạ

 

Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp

Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu. Ngoài ra, mùa nước nổi cũng là lúc những cánh đồng sen ở Đồng Tháp nở rộ khắp nơi nên đi ghe vào giữa đồng sen để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp giữa đồng sen bao la nơi đây.

Tràm Chim

 

Đầm Thị Tường, Cà Mau

Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) là một trong những đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “biển Hồ giữa đồng bằng”, đầm Thị Tường tạo nên từ phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước. Đầm tọa lạc ngay giữa hai huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, thuộc tỉnh Cà Mau. Nơi đây được mô tả giống như một bức tranh thuỷ mặc thơ mông và hữu tình, nhất là vào mỗi buổi sáng và chiều tà.

Đầm Thị Tường

MÙA GIÁP TẾT

Làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp

Là một trong những vùng trung tâm hoa kiểng của miền Nam – Sa Đéc, hay cụ thể hơn là làng hoa Tân Quy Đông ở Sa Đéc, luôn là điểm đến của khách du lịch mỗi khi chuẩn bị Tết Âm lịch đến.

Mùa Tết, làng hoa Tân Quy Đông trồng nhiều nhất là cúc: cúc mâm xôi, đại đóa, đồng tiền, vạn thọ… Bên cạnh đó là bát ngát thược dược, vạn thọ, hoa dâm bụt, mãn đình hồng, ớt kiểng…, ngoài ra còn có hàng trăm thực vật quý hiếm miền Nam. Vì vậy nơi đây mỗi mùa giáp Tết đều tấp nập du khách tham quan, vừa ngắm hoa vừa chụp ảnh.

Làng mai Phước Định, Vĩnh Long

Làng mai Phước Định, Vĩnh Long cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 3 km là địa chỉ cung cấp mai vàng có tiếng trong cả nước.

Mai ở Phước Định thường là mai vàng nguyên thủy, lại được chăm sóc tốt nên có tuổi thọ cao. giá trị lớn. Vào những tháng sắp tết, làng mai Phước Định là nơi các nhà sưu tầm mai tìm đến để chuẩn bị cho Tết. Vậy nên, đến Phước Định dịp này, bạn sẽ được hòa vào không khí tấp nập của những vườn mai vào xuân.

Làng hoa Mỹ Tho, Tiền Giang

Với vị trí gần Sài Gòn nhất trong số các làng hoa nổi tiếng miền Tây (cách khoảng 70 km), Mỹ Tho là nơi nhiều du khách tìm đến ngắm hoa và chụp ảnh mùa giáp Tết. Đến đây, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy chộn rộn Tết khi trông thấy những người chăm sóc hoa, vận chuyển hoa đi bán.

Làng cây kiểng Chợ Lách – Cái Mơn, Bến Tre

Những ngày cận Tết, không khí tại làng hoa Chợ Lách – Cái Mơn, nơi được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng – cây ăn trái” của cả nước nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Những người thợ vườn đang ra sức chăm chút cho những luống hoa đón Tết. Các nhà ghe cũng bận rộn với những chuyến hàng hoa xuôi ngược xa gần nối tiếp.

Làng hoa Thới Nhựt, Cần Thơ

Tuy không nổi tiếng bằng Tân Quy Đông hay Cái Mơn, làng hoa Thới Nhựt (hay Bà Bộ) cũng là một điểm ngắm hoa thú vị nếu bạn có dịp về Cần Thơ mùa giáp Tết. Làng hoa đã có hơn 100 năm tuổi, trước đây chủ yếu trồng các loại hoa và cây cảnh quen thuộc miền Tây như mai, cúc, thược dược, hướng dương…

DU LỊCH TÂM LINH

Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang

Bà Chúa Xứ là nhân vật truyền thuyết được thờ tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Hàng năm, di tích này thu hút gần hai triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch không những đến từ các tỉnh lân cận mà còn từ các tỉnh xa như miền Đông, miền Trung… tạo nên mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo ở núi Sam suốt nhiều tháng.

Miếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, An Giang

 

Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Nam Bộ, được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và là một điểm hành hương và du lịch nổi tiếng. Chùa có kiến trúc Á – Âu nhưng vẫn được thiết kế theo dạng chữ Quốc, gồm bốn gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu). Khuôn viên chùa rộng rãi, rợp bóng cây xanh, bên cạnh những hòn non bộ và hồ nước nhỏ tạo nên sự dễ chịu cho du khách sau khi lễ Phật và tham quan.

Chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang

 

Chùa Dơi, Sóc Trăng

Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

Chùa Dơi, Sóc Trăng

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Cần Thơ

Thiền viện trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 15 km. Đến thiền viện Trúc Lâm Phương Nam thưởng ngoạn khung cảnh và cầu an sẽ là chuyến hành hương đáng nhớ của bạn nếu có dịp về miền Tây.

 

CHỢ NỔI

Ở Nam Bộ với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, con người gắn bó với cuộc sống sông nước miệt vườn vì thế chợ nổi là một hình thức sinh hoạt độc đáo của người dân miền Tây.

Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Mất khoảng 30 phút từ Bến Ninh Kiều, ngồi trên tàu máy theo dòng sông Hậu xuôi về chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm là điều mà bất cứ du khách thập phương nào cũng ao ước một lần được thực hiện. Thời gian hoạt động của chợ nổi từ 5 đến 9 giờ sáng, chuyên buôn bán các mặt hàng chủ yếu là nông sản, trái cây các loại, hàng hóa, thực phẩm…. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tham quan.

Chợ nổi Cái Răng

 

Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Chợ là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán rất đa dạng từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Chợ nổi tiếng nhất là nơi trao đổi và là vựa trái cây lớn của tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng nhất là trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, khóm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè.

Chợ nổi Cái Bè

 

Chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch.

Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng.

Đặc biệt ở chợ nổi còn có chợ rắn. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà… phục vụ du khách. Bên cạnh đó, những xuồng ba lá, những ghe nhỏ xíu là: bánh cuốn nóng, phở, bánh xèo là những món đặc trưng ẩm thực phương Nam.

Chợ nổi Ngã Bảy

 

Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng

Chợ nổi Ngã Năm là chợ nổi ở phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ này là nơi neo đậu chờ lấy hàng hóa của thương lái đến từ nhiều vùng miền, do đó cảnh chợ rất tấp nập và lúc nào cũng đông người, chợ hoạt động suốt ngày.

Chợ nổi ở Long Xuyên, An Giang

Chợ nổi ở Long Xuyên nằm trên sông Hậu thuộc địa phận phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nơi đây tập trung hàng trăm ghe xuồng neo đậu san sát trên sông, sinh hoạt, và buôn bán quanh năm suốt tháng. Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…

Chợ nổi ở Long Xuyên

 

ĐẶC SẢN CỦA MIỀN TÂY

Mỗi mảnh đất đều gắn với những món đặc sản thơm ngon và hấp dẫn. Tourngay gợi ý cho bạn một số món ngon Miền Tây nhất định phải thử khi du lịch bạn nhé!

Bún mắm miền Tây

Bún mắm miền Tây đặc trưng bởi thứ nước lèo được chế biến từ mắm. Bún được ăn cùng chả, thịt luộc, một số loại hải sản như tôm, mực nấm,… quyến luyến du khách bởi vị thơm của nước dùng hòa quyện mạnh mẽ cùng mùi vị của các loại rau thơm ăn kèm khác.

Tourngay gợi ý một số quán cho bạn nha:

  • Quán Bún Mắm 173
    • Địa chỉ: 594 Đường 30 Tháng 4, Hưng Lợi, Ninh Kiều, Cần Thơ
    • Mức giá: 35.000 VND
  • Bún Mắm Cô Tám
    • Địa chỉ: ĐT923, An Bình, Ninh Kiều, Cần Thơ
    • Mức giá: 40.000 VND
  • Quán Bún Mắm Cầu Quay
    • Địa chỉ: 18 Thủ Khoa Huân, Phường 1, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang
    • Mức giá: Từ 35.000 VND
  • Quán Bún Huỳnh Long
    • Địa chỉ: 24 Nguyễn Trãi, Phường 2, Thành phố Cà Mau
    • Mức giá: 50.000 VND
  • Lẩu mắm Hiếu Miên
    • Địa chỉ: 5D Lê Lai, P. Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, An Giang
    • Mức giá: 160.000 VND
  • Lẩu Mắm Cây Dừa
    • Địa chỉ: 203 Hùng Vương, Phường 6, Sóc Trăng
    • Mức giá: 390.000 VND
  • Lẩu mắm miền tây Út Cường
    • Địa chỉ: 70 Đường Yersin, Phường 4, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang
    • Mức giá: 220.000 VND
Bún mắm miền Tây

Bánh xèo miền Tây

Bánh xèo miền Tây lớn gấp 2-3 lần lòng bàn tay. Lớp bánh mỏng, giòn tan, bao bọc nhân bánh làm từ nấm, thịt, tôm, cà rốt và một số loại rau củ khác. Muốn thưởng thức trọn vị, bạn nhớ phải thưởng thức thứ bánh xèo này cùng với các loại rau rừng như lá cóc, sao nhái, lá xoài, lá mận non, tía tô, húng quế…

  • Bánh xèo Ngọc Ngân
    • Địa chỉ:  74 Lê Lợi, Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ
    • Mức giá: 80.000 VND
  • Quán Bánh Xèo 176
    • Địa chỉ: 176 Ngô Quyền, Phường 1, Thành phố Cà Mau
    • Mức giá: 25.000 – 55.000 VND
  • Bánh xèo A Mật
    • Địa chỉ: 182/2 Đường Số 31, Ấp Giồng Nhãn, X. Hiệp Thành, Bạc Liêu
    • Mức giá: 9.000 – 60.000 VND
Bánh xèo miền Tây

Bánh giá chợ Giồng

Bánh có hình trụ, được làm từ bột gạo, tôm và giá sống. Bạn nên thưởng thức món bánh này khi còn nóng để cảm nhận được vị thơm ngon của chiếc vỏ bánh giòn tan, béo ngậy hòa cùng vị ngọt của thịt tôm, cùng vị chua của mắm xoài. Ôi! Chỉ nghĩ thôi cũng đã khó thể cưỡng lại!

  • Địa chỉ: Chợ Giồng, Tiền Giang
  • Mức giá: 10.000 VND
Bánh giá chợ Giồng

Lẩu cá linh bông điên điển

Dân Miền Tây ai cũng biết đến loài cá linh còn các du khách đã thưởng thức loài cá này thì sẽ ấn tượng mãi bởi thịt của chúng có vị rất đặc trưng. Cá linh dù chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh… Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng. Tuy ở vùng nào cũng có nhưng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ là những nơi có tiếng về món lẩu cá linh bông điên điển.

Lẩu cá linh bông điên điển

 

MỘT SỐ LỄ HỘI ĐẶC SẮC CỦA MIỀN TÂY

Lễ hội bà chúa xứ, An Giang

Lễ hội được tổ chức từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch, đây là lễ hội tôn giáo mang đậm nét bản sắc văn hóa của miền Tây Nam Bộ, thu hút rất đông những tín đồ Phật Tử từ khắp đất nước về cầu tài lộc.

Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ gồm 4 lễ chính: lễ rước bốn bài vị từ lăng Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu – Hát Bội, lễ Chính Tế. Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén… thu hút nhiều du khách.

Lễ hội đua bò bảy núi

 

Lễ hội đua bò bảy núi, An Giang

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer thường được tổ chức vào khoảng từ 29-8 đến mùng 1-9 âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 âm lịch). Mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian, lễ hội đua bò kéo là nét sinh hoạt văn hóa, môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi, An Giang.

Lễ hội Ok om bok, Sóc Trăng và Trà Vinh

Là một lễ hội của người Khmer, lễ hội Ok om bok có nghĩa là lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch. Thường được tổ chức tại sân chùa của mỗi phum sóc ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nơi đông bà con dân tộc người Khmer sinh sống.

Lễ hội Ok om bok

Hỏi đáp du lịch Miền Tây tự túc

Đi du lịch miền Tây cần chuẩn bị những gì?

Để chuyến đi được thuận lợi,Tourngay gợi ý bạn chuẩn bị những thứ sau. Nên mang quần áo mỏng nhẹ do thời tiết miền Tây khá nóng, và đem theo áo chống nắng/ mũ/ ô do cái nắng của miền Tây khá rát. Do có nhiều hành trình đến các khu rừng nguyên sinh, bạn nên mang theo thuốc chống côn trùng, kem chống nắng cũng như một số loại thuốc bôi khi bị côn trùng cắn. Do miền Tây Nam Bộ gồm nhiều tỉnh và nhiều địa điểm tham quan vui chơi, bạn cũng nên mang theo bản đồ và tìm hiểu trước về các địa điểm, thành phố để định hình cho hành trình của mình. Nhớ mang theo giấy tờ tùy thân cũng như công chứng bản sao nếu bạn muốn thuê xe tự lái nhé.

Kinh nghiệm du lịch miền Tây mua gì về làm quà?

Đặc sản miền Tây cực kỳ đa dạng và phong phú, tùy vào nhu cầu và sở thích của bạn và người thân mà chọn món quà phù hợp. Tourngay gợi ý một số đặc sản như: Kẹo dừa, nem Lai Vung, mắm Châu Đốc, bánh tráng sữa, bánh Pía, lạp xưởng Cần Đước, các loại trái cây miệt vườn…

Du lịch miền Tây mấy ngày là đủ?

Tùy vào sở thích và địa điểm bạn muốn đến, có rất nhiều lựa chọn cho bạn về thời gian đi du lịch miền Tây. Các tour du lịch miền Tây cũng rất đa dạng, gồm từ 2 ngày 1 đêm đến 6 ngày 5 đêm để bạn lựa chọn. Tourngay đề xuất bạn nên đi từ 3-4 ngày là hợp lý cho một chuyến đi tự túc, vừa đảm bảo đủ thời gian di chuyển và nghỉ ngơi, vừa tận hưởng được trọn vẹn từng điểm đến.

Qua bài viết tổng hợp đầy đủ kinh nghiệm du lịch miền Tây, Tourngay hi vọng bạn đã bỏ túi được nhiều điều cần thiết nhất cho một chuyến đi đáng nhớ, thăm thú miền Tây sông nước sắp tới. Đừng quên truy cập website Tourngay để không bỏ lỡ những ưu đãi hấp dẫn cho chuyến đi của bạn và người thân nha!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *